SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh

Kính chào bạn đọc của chuyên mục mỗi tuần 1 cuốn sách hay!

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng có lẽ những dư âm của nó để lại vẫn vang vọng đến tận mãi bây giờ. Đó là những năm tháng oanh liệt hào hùng, nơi có những tiếng hát át tiếng bom, có tinh thần tập thể chiến đấu quật cường, anh dũng… nhưng nó cũng mang đến đầy rẫy những nỗi buồn, những mất mát, những tổn thất không gì có thể bù đắp được. Hướng đến kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Hôm nay thư viện Trường xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của tác giả Bảo Ninh, sách gồm 324 trang, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011.

Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952 tại Nghệ An, là nhà văn cựu chiến binh, quê ở Quảng Bình. Ông tham gia quân ngũ năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Đến năm 1975 thì giải ngũ. Từ năm 1987 những truyện ngắn đầu tay đã ra đời nhưng chỉ đến năm 1990 với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranhthìmới được chú ý và tạo ra làn sóng phê bình sôi động trong giới văn nghệ. Tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng, và có những thứ tiếng có 2 phiên bản, giới thiệu ở 18 nước trên thế giới. Tác phẩm chạm vào mẫu số chung của nhân loại – đó là mẫu số của những nỗi đau chiến tranh.

Theo những hồi tưởng của Kiên chúng ta ngược dòng thời gian, trở về một thời chiến tranh, bom đạn khốc liệt của những nhân vật như Kiên và Phương. Họ mang trong mình tình yêu trong sáng, ngây thơ của tuổi 17 nhưng phải tạm chia cách vì Kiên đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày Kiên nhập ngũ, Phương tiễn người yêu của mình trên một chặng đường dài. Không may, trên tuyến tàu hàng hải ra tiền tuyến, Phương bị cưỡng bức nên mang trong mình thái độ điềm nhiên khinh nhờn và thờ ơ lãnh đạm sau biến cố kinh khủng ấy.

Sau 10 năm chiến tranh, Kiên may mắn sống sót trở về cuộc sống hòa bình. Vậy nhưng, những vết thương trên thân thể và tâm hồn khiến anh không thể hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Kiên trở thành một nhà văn cấp phường khó tính, kỳ quặc mà chẳng ai có thể hiểu. Nhà văn hậu chiến viết về những ký ức ám ảnh của cuộc đấu tranh tàn khốc. Những giấc mơ gắn liền với cái chết, có người hy sinh vì anh, cũng có người đã chết vì những lỗi lầm của anh. Đó là người đội trưởng tên Quảng cầu xin Kiên hãy kết liễu đời anh vì anh đau đớn quá. “Bụng rách trào ruột, xương xẩu dường như gãy hết, tay lủng liểng”. Hay “những người lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy dòi và mùi da thịt khắm lặm của mình” hay “Ai đã đọc Kiên thì đều có dịp hình dung những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy.” …

Hồi ức đưa Kiên trở lại ngày anh gặp Phương. Anh muốn cùng Phương quay về thời yêu nhau bất chấp, nhưng cô đã buông rơi mình trong trụy lạc. Hai người đã khác xa nhau của tuổi 17, khi chiến tranh và biến cố cuộc đời đã gạch chi chít vào những nét chỉ tay. Chán chường trước cuộc sống hiện tại, Kiên tự tay đốt thành tro cuốn tiểu thuyết của mình và cuộc đời anh cũng dừng lại từ đó. Anh ra đi. Những gì còn sót lại là mớ bản thảo rối bời được người đàn bà câm gom góp, cất giữ.

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh!

Tác phẩm đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người. Chiến tranh không còn là câu chuyện của một dân tộc, mà còn là chuyện đời của những người trẻ. Kiên chính là điển hình cho người lính bị đeo đuổi bởi những giấc mơ kinh hoàng như thế. Là người chiến sĩ sống sót sau chiến tranh không thể tự giải thoát khỏi các hồi tưởng về cuộc chiến, về các đồng đội đã mất như một chứng bệnh trầm cảm. Là người đánh mất mối tình đẹp đẽ của mình. Là người viết tiểu thuyết với ý thức sứ mệnh. Với ba vai đó, tiểu thuyết thể hiện rõ ba nội dung sâu sắc: cuộc chiến tranh khốc liệt với vô vàn chết chóc; chiến tranh và sự hủy diệt hạnh phúc đời thường; ý thức về chuyện viết văn về đề tài chiến tranh, muốn vượt qua truyền thống cũ.

Chiến tranh là trải nghiệm không một ai muốn, bởi nó“…là bài ca kinh hoàng, là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà là thế giới bạt sầu, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” nhưng Nỗi buồn chiến tranh là nỗi buồn ai cũng cần phải nhớ, nhất là những thế hệ trẻ của hôm nay, để biết, để hiểu về những ngày tháng cũ, thấm hết nỗi đau đớn và ám ảnh khôn cùng mà chiến tranh phi nghĩa để lại trên mảnh đất bé nhỏ, về những con người đâu đó trong trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã từng nhắc:

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

          Hãy thử mở trang sách ra, và rồi cũng như tôi, cũng sẽ hiểu được vì sao mà “Nỗi buồn chiến tranh” lại được giới văn chương trong và ngoài nước đánh giá là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại. Mời quý thầy cô giáo và các em học sinh tìm đọc cuốn sách tại Thư viện trường./.

Sách hay: Bản án chế độ thực dân Pháp

Bạn đọc thân mến!

Cách đây 113 năm (ngày 05/6/1911), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn đi Marseille (Pháp) với ý chí mãnh liệt và hoài bão sẽ tìm được con đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Chứng kiến cảnh tượng thực dân Pháp bắt người da đen lội ra chiếc tàu khi biển trong cơn gió to sóng lớn, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song, những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tánh mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không một xu”…
          Phải đến sau này, khi gởi yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây, đặc biệt khi tiếp xúc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu rõ và nhận ra đầy đủ bản chất không chỉ của bọn thực dân Pháp mà đó là của chủ nghĩa thực dân nói chung.Chúng là kẻ thù của tất cả các dân tộc thuộc địa ở khắp các châu lục. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà là tố cáo tội ác man rợ của tất cả bọn thực dân ở các thuộc địa trên toàn thế giới.

Nguyễn Ái Quốc khẳng định: chủ nghĩa thực dân là con đẻ của các cường quốc tư bản chủ nghĩa. Chúng không chỉ áp bức bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa mà còn áp bức bóc lột nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là giai đoạn mở đầu của chủ nghĩa đế quốc, là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh trên thế giới.

Nguyễn Ái Quốc bằng nhiều hình thức từ viết bài đăng báo đến diễn đàn tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Đặc biệt, “Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925 và được xuất bản đầu tiên năm 1925 tại Paris (Thủ đô nước Pháp). Tác phẩm vừa có giá trị lớn về chính trị, tư tưởng, vừa có giá trị lớn về văn học của Nguyễn Ái Quốc, như một quả bom công phá thành trì chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.

Cuốn sách: Bản án chế độ thực dân Pháp

Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục, chú thích với cách thành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường Châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ, v.v… Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Năm 1946, ở Việt Nam, cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Năm 1960, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản bằng tiếng Việt lần thứ nhất và đã in trong tuyển tập của Hồ Chí Minh.

Bản án chế độ thực dân Pháp là một bản cáo trạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây-Phi…Đồng thời đóng góp sáng tạo vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức cách mạng của nhân dân ta, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam về một đường lối sáng suốt và đúng đắn, để thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ về phương hướng và mục tiêu cách mạng. Với tác phẩm này, ánh sáng của chân lý cách mạng của thời đại đã soi rọi vào tâm trí nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức…

Cuốn sách hiện có tại thư viện, quý thầy cô và các bạn tìm đọc nhé!

Hoạt Động Trải Nghiệm Kỷ Niệm 80 Năm Ngày Thành Lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024)

Trên cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT 2018), Tổ Giáo dục thể chất – Giáo dục quốc phòng và An ninh; tổ Sử – Địa – GDKT&PL – Âm nhạc kết với Đoàn trường tổ chức cho học sinh lớp 10, 11, 12 năm học 2024 – 2025 được học tập trải nghiêm thực tế tại trường Quân sự Quân khu 5, thành phố Đà Nẵng. Với mục đích gắn việc học tập với thực tế nhằm mở rộng hiểu biết, giáo dục bộ môn, giúp học sinh được giáo dục về kỷ luật, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội, ý thức rèn luyện thể lực, góp phần xây dựng nhân cách và lý tưởng sống cho học sinh, trải nghiệm về một địa điểm hoạt động của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời bình, giúp các em khơi dậy lòng tự hào và yêu quê hương, đất nước, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc và giá trị của sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc.

Không gian tái hiện lịch sử

Sáng ngày 14/12/2024, Thầy cô và hoc sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại được đến thăm và trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế tại Trường Quân sự Quân Khu 5.

Học sinh được tham gia các hoạt động:

1. Dâng hoa và quả tượng Bác Hồ.

2. Quan sát hoạt động nội vụ của các chiến sỹ: Học cách gấp chăn màn theo kiểu quân đội, thăm quan nơi sinh hoạt hằng ngày của bộ đội tại Tiểu đoàn D4

3. Tham quan Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh: Tham quan Sinh viên của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Quân khu 5 thực hành về ngắm súng và bắn, các em được trải nghiệm thực hành tại đây

4. Trường Quân sự Quân khu 5: Thầy cô và các em được nghe thuyết minh về Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các em được lắng nghe những câu chuyện xúc động từ những người lính năm xưa, qua đó thêm tự hào và biết ơn những đóng góp to lớn của thế hệ cha ông. Thầy cô và học sinh phát biểu cảm tưởng về chuyến tham quan, học tập và trải nghiệm tại Trường Quân sự Quân khu 5

Chương trình văn nghệ tri ân

Hoạt động khép lại bằng chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục ca ngợi Tổ quốc, người lính và tình yêu quê hương. Tiết mục múa “Tuổi đôi mươi” cùng tiết mục hát “Màu hoa đỏ” đã làm bừng lên không khí tự hào, đầy xúc động trong lòng khán giả.

Ý nghĩa của chương trình

Chuỗi hoạt động không chỉ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn là dịp để các em rèn luyện tinh thần kỷ luật, đoàn kết và lòng yêu nước. Đây cũng là cách nhà trường giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cảm ơn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại và Trường Quân sự Quân khu 5!

Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh! Chương trình kỷ niệm đã khép lại nhưng những giá trị và bài học lịch sử mà các em học sinh được trải nghiệm chắc chắn sẽ là hành trang quý báu trên bước đường trưởng thành, phát triển toàn diện.

Một số hình ảnh của buổi Hoạt động trải nghiệm:

Sách hay : Mười ba lí do

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!

Trong hành trình của mỗi đứa trẻ, viêc đến trường không chỉ là học tập kiến thức , mà còn là một phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách và xây dựng tương lai. Tuy nhiên mọi dự định tươi sáng đều có thể bị che phủ bởi bóng tối của bạo lực học đường. Điều đáng buồn là nó không chỉ tồn tại trong những hình thức vũ trang hay bạo lực trực tiếp mà còn lan truyền dưới dạng khác nhau, từ ám ánh tinh thần đến sự bất công xã hội. Và hôm nay xin giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn một cuốn sách còn mang nhiều nỗi niềm trăn trở ấy với tựa đề Mười ba lí do của tác giả Jay Asher, sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018.

Tựa đề tên sách: Mười ba lí do

Mười ba lí do ” là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng xoay quanh câu chuyện của Hannah Baker, một nữ sinh trung học đã tự tử và để lại 13 cuộn băng cassette cho cậu bạn Clay Jensen. Trong đó, cô đã giải thích rõ ràng 13 người liên quan – những lý do đã làm cho cô đi đến quyết định kết thúc cuộc đời của mình. Và chàng trai Clay Jensen cũng rất bất ngờ khi biết mình chính là một trong số những nguyên nhân đó. Từ đó, cuộc sống của Clay và kể cả những người nhận được cuộn băng đều bị đảo lộn.

Khi đọc cuốn sách chúng ta sẽ cảm nhận được sự tiêu cực khủng khiếp ám ảnh lên từng chữ và lên từng nhân vật trong truyện. Hannah vốn là một cô bé lạc quan, độc lập, thông minh và xinh đẹp. Chính Clay cũng thầm thích cô nhưng vì 1 vài lí do Hannah trở thành tâm điểm của những trò đùa quái dị, độc ác đến từ phía các bạn trong lớp. Cô bé bị bôi nhọ danh dự, bị nhục mạ, chơi xấu. Nhiều lần phát tín hiệu cầu cứu nhưng không ai quan tâm mà quá đáng hơn, họ đem ra mỉa mai, thậm chí đem cô ra làm trò tiêu khiển. Hơn hết, khi cô bé muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía nhà trường, thầy cô cũng không hề làm được điều đó. Nỗi đau đó dàn trải như một vết cắt từ từ, một thứ nước muối được nhỏ từng giọt vào tâm trí cô bé. Bởi thế, từ một người luôn tràn đầy sức sống, Hannah trở nên lầm lì, cô độc và cuối cùng là lựa chọn tự kết thúc cuộc đời của mình.

 Câu chuyện được tác giả khai thác trần trụi nhưng chân thật những mặt trái của đời sống học đường, đưa chúng ta đến với thế giới nội tâm đầy giằng xé của những đứa trẻ vị thành niên trước những vấn đề tiêu cực như: Những trò chơi xấu, những kẻ hai mặt, sự phân biệt vùng miền, quấy rối tình dục, rượu bia thuốc lá, sự hững hờ vô tâm hay vô trách nhiệm, vv… và nhất là nêu ra được những nguyên nhân và hậu quả đối với nạn nhân phải chịu sự bắt nạt ở môi trường học đường.

Các bạn thân mến!

Có bao giờ bạn nghĩ rằng sự lên tiếng của mình có thể cứu một ai đó, thật sự cứu một sinh mạng theo đúng nghĩa đen. Tôi từng nghe ở đâu đó nói rằng tất cả những gì cần thiết cho sự chiến thắng của cái ác chính là những người tốt không làm gì cả, sự im lặng nhút nhát nó có đáng trách không? có lẽ là không nhưng sẽ hối hận tột cùng khi biết rằng nếu lúc đó mình nói ra câu ấy có lẽ bây giờ cô ấy vẫn còn sống. những gì Hana trải qua tôi nhận ra rằng một lời nói vô thưởng vô phạt có thể giết chết một ai đó nhưng cũng có thể là một cánh tay nâng đỡ một ai đó đang ở trong góc tối, vì thế nếu thấy rằng lời nói của mình không gây tổn thương và có một tia nhỏ suy nghĩ lóe lên rằng câu nói ấy là cần thiết thì tôi nghĩ tôi nhất định sẽ cất lời. Có thể đôi lúc tôi sẽ cảm thấy hơi ngớ ngẩn nhưng xét đi xét lại tôi sợ bản thân mình sẽ hối hận nhiều hơn .

Với 13 cuộn băng cassette – 13 lí do mang đến những thông điệp mạnh mẽ về những ảnh hưởng của hành động nhỏ đến cuộc sống của người khác khiến bất kì đối tượng nào, từ gia đình, đến nhà trường, hay những cô cậu học sinh cũng cần phải nghĩ xem, liệu ta có nhìn thấy bản thân mình hiện diện trong câu chuyện của Hannah? liệu chúng ta đang vô tình làm tổn thương ai đó hay không? Đó có thể là 1 một tấm ảnh mà ta nhìn thấy trên mạng rồi đem ra gièm pha, chế giễu, một câu chuyện ta vô tình nghe được ở đâu đó rồi thêu dệt khắp nơi, lời bông đùa mà ta vô tình nói ra v.v…cũng đã đẩy người khác vào chỗ tuyệt vọng vì sự vô tâm và dửng dưng của mình.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết đã cho ta thấy được sự bức bối, nặng nề, nhưng đồng thời, cũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo cho xã hội về những nguyên nhân dẫn đến sự trầm cảm và tự tử độ ở tuổi vị thành niên, khi nạn bạo hành, bắt nạt ở trường học vẫn diễn ra hàng ngày. Và những cái chết thương tâm trên ghế nhà trường vẫn chưa bao giờ chấm dứt, dù bất kì đâu trên thế giới.

Mong rằng tác phẩm này mang lại cho bạn đọc những cảm xúc mãnh liệt, đau lòng một chút cũng được, để ý thức được rằng sự chủ động cần thiết của lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta  là vô cùng quan trọng. Đừng thờ ơ, dửng dưng trước những cánh tay đang chìa ra cầu cứu sự giúp đỡ, đừng im lặng trước những điều xấu xa mà ta đang nhìn thấy. Ta cần phải cư xử tốt với mọi người xung quanh dù họ là ai đi nữa. Đơn giản nhất là hãy tôn trọng, suy nghĩ thật sâu những chuyện mình  sắp thực hiện, hãy chắc chắn rằng đó không là một lí do gây đau lòng cho 1 trái tim nào khác. Điều đó đồng nghĩa với việc ta lựa chọn ôm ấp chính mình, người thân và những người ta tiếp xúc trong đời để không xuất hiện thêm bất cứ 1  Hannah Baker hay 1 Clay Jensen nào nữa.

Cuốn sách hiện có tại Thư viện. Thầy cô và các em hãy tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này nhé!

Sách hay: Không gục ngã

https://youtu.be/DUv0OgeJrdA

Kính thưa quý thầy cô và các bạn thân mến!

Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ. Và trong những khoảnh khắc sóng gió ấy, ta luôn cần một ngọn hải đăng soi sáng. Cuốn sách “Không gục ngã” của dịch giả Nguyễn Bích Lan như ngọn hải đăng ấy, soi rọi vào tâm hồn mỗi người, thắp lên ngọn lửa hy vọng bất diệt: “Đây là câu chuyện của tôi. Tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”. Cuốn sách nằm trong trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” với ý tưởng của Công ty Fist News – Trí Việt để truyền tinh thần, ý chí vượt lên số phận cho thanh niên Việt Nam hiện nay.

Dịch giả, nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Bích Lan

Cuốn tự truyện dày 303 trang, gồm hai phần:

Phần 1: Chuyện đời tôi.

Phần 2: Những chiêm nghiệm cuộc sống.

“Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao”, câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo  mà tác giả đã trích làm đề từ tự truyện “Không gục ngã” của mình đã dẫn mọi người đến hành trình vượt lên số phận của chính tác giả.

Cuốn sách với những mảng đối lập trong từng giai đoạn cuộc đời tác giả, từ yên bình đến những khổ đau do căn bệnh loạn dưỡng cơ gây ra năm cô mới 13 tuổi, là chuỗi thời gian cô nỗ lực tập đứng lên, ngồi xuống, tập vận động như một đứa trẻ và tự học trung học phổ thông, tự học tiếng Anh, tự học vi tính… để trở thành một dịch giả tài năng, một nhà diễn thuyết truyền cảm hứng.

Điều gì đã giúp tác giả vượt qua tất cả? Đó chính là ý chí sắt đá, lòng lạc quan và một trái tim yêu đời. Cô đã biến những khó khăn thành động lực để vươn lên, để chứng minh rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều ý nghĩa.

Tự truyện của Nguyễn Bích Lan không chỉ truyền cảm hứng về niềm khát khao được sống, ý chí không khuất phục nghịch cảnh, không đầu hàng số phận dù cho phải chịu nhiều gian truân và thử thách cả thể chất lẫn tinh thần mà còn lan tỏa tình yêu đọc sách, ý chí tự học và lòng biết ơn với những trang sách. Cuộc đời cô là minh chứng cho điều đó, khi bị tàn phá nặng nề và gần như phải làm “người tàn phế” bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác, Nguyễn Bích Lan tự tìm nguồn vui và sức mạnh từ việc đọc và tự học. Đối với cô, sách nâng đỡ tinh thần mỗi khi tuyệt vọng, sách tiếp thêm động lực cho ước mơ được sống và cống hiến. Từ ánh sáng của tri thức được thu nhận qua sách và Internet, cô gái trẻ dần vượt qua bóng tối khổ đau và từng bước đến bình minh tương lai khi tự mình học tập và trở thành cô giáo của lớp học cây Táo đầy thiện tâm, trở thành tác giả, dịch giả của gần 30 đầu sách nổi tiếng. 

“Không gục ngã” không chỉ là câu chuyện của riêng Bích Lan, mà còn là câu chuyện của mỗi chúng ta. Đó là về nghị lực sống, về niềm tin vào bản thân và về tình yêu cuộc sống. Qua câu chuyện của Nguyễn Bích Lan, chúng ta học được rằng, cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn có thể vượt qua bằng nghị lực và sự kiên trì, thử thách lớn đến đâu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong mỗi khoảnh khắc. Hãy để câu chuyện của tác giả trở thành ngọn lửa thắp sáng tâm hồn bạn, giúp bạn khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân và sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Bởi cuộc sống này quá ngắn ngủi để chúng ta buông xuôi và hối tiếc. Hãy sống hết mình, yêu thương hết mình và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình các bạn nhé!

Kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh tìm đọc!