Nhằm tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong trường học, góp phần giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, đồng thời tạo sân chơi rèn luyện sức khỏe, tăng cường sự giao lưu tình đoàn kết giữa đoàn viên thanh niên, trong tiết sinh hoạt trải nghiệm ngày 09/12/2024 Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ đoàn viên, thanh niên trong nhà trường “Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường”
Đối với cuộc đời mỗi chúng ta, thời đi học là quãng đường thanh xuân tươi đẹp nhất. Tuy nhiên, đó sẽ là con đường đầy những khó khăn, ám ảnh bởi những lời nói không hay, những hành động không đẹp – đó chính là bạo lực học đường. Thật đáng buồn, tình trạng đó đã làm mất đi nét đẹp hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, thiếu đạo đức giữa bạn với bạn; cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh; xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói, hay những hành vi đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng diễn ra trong môi trường học đường.
Những nguyên nhân nào dẫn đến hành vi bạo lực học đường ? Nguyên nhân bắt nguồn từ những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống : học sinh “ thích thì đánh”, “ ghét thì đánh”… Tưởng chừng những lời nói, những ánh nhìn là vô hại, chúng lại chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực tại một môi trường thân thiện và an toàn như trường học. Một số học sinh cá biệt, chưa kiểm soát được hành vi của bản thân, coi việc dùng bạo lực là cách để giải quyết mâu thuẫn… Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần là do xã hội còn thờ ơ, chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng này.
Trước thực trạng hết sức nghiêm trọng của bạo lực học đường, chúng ta cần phải có những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ. Cần có sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường, giúp mỗi học sinh nâng cao ý thức, nhận thức đúng đắn về mối nguy hại của bạo lực học đường. Nhà trường cần có những biện pháp, nội quy nghiêm ngặt để xử lý việc gây ra bạo lực… Một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này đó chính là xây dựng tình bạn tốt đẹp.
Mô hình “Xây dựng tình bạn đẹp – Không bạo lực học đường” là một trong những mô hình thiết thực, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là các trường Trung học phổ thông- nơi mà có đối tượng học sinh với nhiều đặc điểm tâm sinh lý phức tạp. Chúng ta có thể xây dựng mô hình bằng nhiều hình thức đa dạng như :Tuyên truyền trực quan về mô hình và những thông điệp mô hình mang lại thông qua hệ thống pano, băng rôn, khẩu hiệu tại khuôn viên nhà trường, các địa điểm đông học sinh; tổ chức cuộc thi sáng tác video clip về tình bạn đẹp, phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi thiết kế inforgraphic, vẽ tranh cổ động về phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi diễn kịch truyền thông về tình bạn đẹp, ngăn chặn bạo lực học đường… chứa đựng nhiều nội dung bổ ích như: Chia sẻ những câu chuyện đẹp về tình bạn trong môi trường học đường, trong cuộc sống, định hướng việc xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh; chia sẻ, trao đổi, cổ vũ những thói quen tốt, hành động đẹp trong việc phòng chống bạo lực học đường; chia sẻ kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra; kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường; tuyên dương những tấm gương có thói quen tốt, hành động đẹp, tích cực trong việc tham gia giải quyết, phòng, chống bạo lực học đường.
Xây dựng mô hình “Xây dựng tình bạn đẹp – Không bạo lực học đường” tại các trường Trung học phổ thông là xây dựng một môi trường học tập, tu dưỡng đạo đức văn minh, lành mạnh. Một môi trường tích cực sẽ tạo động lực cho các bạn học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui và để trường học thực sự là ngôi nhà thứ hai, nơi nuôi dưỡng những ước mơ của tuổi học trò.
Hưởng ứng Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa, Ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, chủ đề của năm nay là một lời kêu gọi đầy ý nghĩa và khát vọng: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.”
Chúng ta cùng nhìn nhận rằng, bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả xã hội. Bằng cách đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta không chỉ giúp họ thoát khỏi sự bất bình đẳng mà còn khơi dậy những tiềm năng quý giá, giúp họ tỏa sáng và đóng góp cho cộng đồng.
An sinh xã hội là nền tảng giúp phụ nữ và trẻ em gái tự tin và an toàn hơn trong cuộc sống. Khi có cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế, việc làm và sự bảo vệ xã hội, họ có thể tự chủ trong cuộc sống và vững vàng trước những khó khăn, thử thách. Họ cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng chống lại bạo lực và bất công, đóng góp vào việc xóa bỏ những rào cản lâu đời đối với bình đẳng giới.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, bạo lực và định kiến giới vẫn còn đè nặng. Những hành vi bạo lực không chỉ để lại nỗi đau cho cá nhân mà còn kéo theo những tổn thất lớn cho xã hội: mất mát trong giáo dục, giảm năng suất lao động, và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới không chỉ vì lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn để kiến tạo một xã hội công bằng, nhân văn và văn minh cho tất cả mọi người.
Để xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái, chúng ta cần hành động đồng lòng:
Bảo vệ an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Chính phủ và các tổ chức cần triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền được tiếp cận y tế, giáo dục, và việc làm cho phụ nữ. Đây là nền tảng giúp họ tự tin và không bị phụ thuộc.
Xóa bỏ các rào cản định kiến và tạo điều kiện phát triển: Cần nâng cao nhận thức cộng đồng và trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái. Khi họ có cơ hội phát triển tài năng, họ sẽ không chỉ tự bảo vệ bản thân mà còn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tạo môi trường an toàn và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho nạn nhân của bạo lực giới. Bằng cách cung cấp sự hỗ trợ kịp thời, từ tâm lý đến pháp lý, chúng ta sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, tự tin và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
Khuyến khích sự tham gia của nam giới và cộng đồng: Sự thay đổi về bình đẳng giới cần sự góp sức từ mọi người, đặc biệt là từ nam giới. Họ là những người bạn đồng hành quan trọng trong việc chấm dứt các hành vi bạo lực và xây dựng một môi trường bình đẳng, an toàn.
Đổi mới giáo dục về bình đẳng giới ngay từ sớm: Giáo dục về bình đẳng và tôn trọng giới tính cho trẻ em là cách giúp các thế hệ sau trưởng thành với những giá trị nhân văn. Hãy để trẻ em lớn lên với niềm tin rằng mọi giới tính đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương.
Chúng ta kêu gọi mỗi cá nhân, từng gia đình và toàn thể cộng đồng cùng nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái, nơi phụ nữ và trẻ em gái được an toàn, tôn trọng và có cơ hội phát triển toàn diện.
Hãy cùng hành động, hãy lên tiếng, hãy bảo vệ và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái – những người mẹ, người chị, người em của chúng ta – để họ có thể tự tin và mạnh mẽ bước tới. Bằng việc đấu tranh cho bình đẳng giới, chúng ta đang tạo nên một tương lai tốt đẹp, nơi tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và đóng góp cho xã hội.
Cùng chung tay vì một xã hội bình đẳng và không bạo lực!
Hằng năm mỗi khi gió đông ùa về, những hạt mưa tí tách rơi trên sân trường, một chút hanh hao se lạnh, tia nắng vàng mùa thu cuộn mình trong những chiếc lá khô, tháng 11 lại về với bao thương nhớ, bao nỗi niềm bồi hồi xao xuyến trong tấm lòng của bao nhiêu lớp học sinh vẫn trọn một niềm kính yêu thầy cô giáo Và những học trò hôm nay luôn biết ơn công lao nâng bước của quý thầy cô giáo. Từ những nét chữ đầu tiên cô dạy, đến bài giảng của thầy, cho chúng em tri thức vào đời. Bằng tấm lòng yêu người, yêu nghề. Thầy cô chính là người dìu dắt các thế hệ học trò trên con đường đi tới ước mơ.
Hòa trong không khí tưng bừng tháng 11 và nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới chào mừng kỉ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).
Đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tổ chức hội thi nhảy flashmob nhằm tạo sân chơi bổ ích đồng thời tạo điều kiện cho học sinh được phát huy tài năng và sức trẻ của mình. Cuộc thi còn hướng học sinh đến các giá trị nhân văn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Đến dự và tham gia hội thi nhảy Flashmob rất vinh dự có sự tham gia của:
Về phía quận Đoàn
– Đồng chí: Lê Thanh Hải – Phó Bí thư Quận đoàn Cẩm Lệ
– Đồng chí: Võ Thu Uyên – Phó chủ tịch hội đồng đội quận Cẩm Lệ
Về phía nhà trường
– Thầy giáo: Đặng Hùng Thương – bí thư chi bộ – hiệu trưởng nhà trường
– Thầy giáo: Phan Hữu Thịnh – Phó bí thư chi bộ – Phó hiệu trưởng nhà trường
– Thầy giáo: Nguyễn Châu – Phó hiệu trưởng nhà trường
– Cô Trần Thị Lành – Bí thư đoàn trường.
Mở đầu hội thi là tiết mục nhảy của chi đoàn lớp 10/8 mang tên Sắc màu Thanh Xuân là sự kết hợp mashup của các tiết mục: “Em bé ngoan. Tình bạn diệu kì. Nhất quỷ nhì ma”.
Tiết mục nhảy mashup dựa trên nền nhạc bài “Nhất quỷ nhì ma và chia sẻ từng khoanh khắc”. Với tiết mục này tập thể lớp 11/6 không chỉ gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo của tập thể lớp. Với những bước nhảy sôi động và giai điệu tràn đầy năng lượng, chúng em hy vọng sẽ mang đến không khí vui tươi, ấm áp cho buổi biểu diễn.
Cũng mang đến một không khí không kém phần sôi động, là tiết mục Nhảy Thanh Âm miền núi với sự biểu diễn của các bạn lớp 12/7. “Thanh Âm Miền Núi” là sự pha trộn giữa nhảy hiện đại và âm nhạc mang đậm nét núi rừng hòa với sự tươi mới, cái “chất” của tuổi trẻ. Với những động tác mạnh mẽ, linh hoạt và đầy cảm xúc, “Thanh Âm Miền Núi” kể lại câu chuyện về cuộc sống của những con người miền núi – nơi thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng đầy thử thách.
Tiết mục nhảy đến từ chi đoàn lớp 12/2 với sự kết hợp của bài hát Khúc ca vàng và Chiếc khăn piêu. Và trước khi biểu diễn tiết mục của lớp 12/2, tập thể 12/2 có đôi lời muốn nhắn nhủ “Thưa thầy cô và các bạn, nếu có một điều gì đó mà chúng em không giỏi bằng thầy cô, thì đó chắc chắn là làm toán và viết văn. Nhưng nếu có điều gì chúng em luôn tự tin, thì chính là mang năng lượng và sự sôi động đến với hội thi.
Chi đoàn 10/6 mang đến phần trình diễn flashmob với bài nhảy lấy cảm hứng từ tình yêu đất nước, thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến những nhà giáo đã dạy dỗ, truyền cảm hứng cho các học sinh và đóng góp lớn cho ngành giáo dục Việt Nam. Qua từng bước nhảy và giai điệu, chúng em muốn truyền tải tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Chúng em hi vọng màn trình diễn sẽ mang đến cảm xúc và sự trân trọng đối với công lao to lớn của các thầy cô.
Lớp 11/2 mang đến hội thi phần nhảy sôi động “Kí ức thanh xuân”
Mang đầy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mang niềm tin về những điều tốt đẹp của đất nước hình chữ S thương yêu dựa trên nền nhạc bài “Việt Nam muôn đời và khúc vàng ca” do tập thể 12/3 biểu diễn.
Bài nhảy mang tên “Chiến tranh và hòa bình” của tập thể 12/6, bài nhảy thể hiện về tình cảm đồng chí, nhẹ nhàng, sâu lắng ở chiến trường đầy gian khổ nhưng chính vì thế mà tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng bào ta lại trỗi dậy, đứng lên để giành độc lập cho dân tộc.
Nhảy mashup của hai bài hát “Những ngôi sao xa xôi và Cùng anh những chuyến đi”. Mở màn với bài hát “Những ngôi sao xa xôi” đã ngân lên giai điệu mang âm hưởng về hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong thời chiến xưa. Giờ đây, đất nước hòa bình, ta có thể khám phá những vẻ đẹp mỹ miều mà họ đã đánh đổi để có thể bảo vệ. Giai điệu “Cùng anh những chuyến đi” vang lên chính là lời hối thúc chúng ta hãy tận hưởng vẻ đẹp của nó. Và nó là khúc ca kết màn cho màn trình diễn của tập thể lớp 11/3.
Góp mặt trong hội thi ngày hôm nay, chi đoàn 11/5 xin gửi đến tất cả mọi người tiết mục nhảy mashup vô vùng vui tươi, sôi động và tràn đầy năng lượng với bài nhạc “Lớn rồi còn khóc nhè và Nhớ mãi chuyến đi này”.
Biết bao nhiêu thế hệ cha ông đã đi trong bóng tối để hôm nay chúng em được được ngắm nhìn bầu trời xanh sáng – bầu trời độc lập tự do. Ngay tại đây, tập thể lớp 10/2 chúng em sẽ để cho âm nhạc bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu to lớn của mình với tổ Quốc thân yêu qua tiết mục nhảy “Âm điệu sắc trẻ”.
Khăn quàng thắp sáng bình minh và Gặp nhau giữa rừng mơ là hai bài hát đều thể hiện tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước qua những góc nhìn khác nhau: “Khăn quàng thắp sáng bình minh” là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ với lý tưởng và ước mơ, trong khi “Gặp nhau giữa rừng mơ” lại là một khung cảnh thơ mộng của tình yêu nơi núi rừng, thể hiện sự mến yêu với quê hương tươi đẹp.
Hòa mình vào không gian âm nhạc đầy ý nghĩa, nơi mỗi bước nhảy sẽ là lời tri ân sâu sắc gửi đến thầy cô – những người đã thầm lặng cống hiến vì từng “bụi phấn” trắng phủ mờ mái tóc. Bài nhảy flashmob đến từ tập thể lớp 11/8 tiếp theo đây sẽ là sự kết hợp giữa hai bài hát “Bụi phấn” và “Đi giữa trời rực rỡ”, mang thông điệp về lòng biết ơn và niềm tự hào về hành trình học tập, trưởng thành.
Lòng yêu nước của mỗi một thế hệ được thể hiện một cách khác nhau và tuổi trẻ chúng ta cũng thế.Từng giai điệu, từng câu từ đều mang lòng yêu nước đầy tự hào. Tiếng trống ngân vang vẫn đập mãi, sự nhiệt huyết vẫn cứ thế bùng cháy, nối đuôi nhau trở thành khúc ca huy hoàng.Và sau đây là phần trình diễn đầy đặc sắc của lớp 11/1 phần trình diễn mang tên Khúc Ca Đại Ngàn.
Nam Sơn Điển Tích Ngàn Năm
Ơn người tận hiến tiếng thơm muôn đời.
Ở nơi đây, vào lúc này, chúng em dùng âm nhạc làm tiếng nói, dùng cảm xúc ước lệ cho những nét tinh hoa quý giá của dân tộc.Văn hoá là nguồn cốt của dân tộc, văn hoá còn là dân tộc còn. Giữ, giữ vững, giữ mãi, giữ muôn đời – Hãy cùng chung tay cùng 12/5 qua tiết mục nhảy Nam Sơn Điển Tích.
“Ơn người tận hiến” đến từ chi đoàn lớp 12/1. Ơn người tận hiến là lời tri ân sâu sắc từ trái trái tim của tập thể 12/1 đến những người lái đò thầm lặng. Tác phẩm kể về tuổi học trò lắm mộng nhiều mơ, một học sinh bị chính thế giới nội tâm u tối của mình nuốt chửng và chính những người tận hiến đã xuất hiện như vầng dương vực dậy tuổi học trò rực cháy.
Những vị anh hùng đã đổ máu vì dân tộc, liệu thế hệ nay mai còn nhớ? Những chiến công lớn lao với dân tộc của họ, mãi mãi được khắc ghi trong mỗi đứa con đất Việt, ngân vang trong niềm tự hào và biết ơn khôn xiết. Để rồi, thế hệ ấy biết yêu lấy mảnh đất phương Nam, yêu cả người mẹ Việt Nam anh hùng, ngẩng cao đầu gắng mình góp vào “cái ta” của nước nhà.
Hiểu những điều thiết yếu ấy đối với mỗi con người sinh ra trên đất Việt, đặc biệt đối với lứa học sinh, tập thể lớp 10/10 sau đây xin thể hiện niềm tự hào đồng thời mong muốn được truyền tải tinh thần yêu nước đến với mỗi học sinh ở trường THPT NVT qua màn trình diễn đầy sâu sắc tiếp theo.
Tuổi trẻ, tuổi học trò có lẽ là quãng thời gian mà một khi trải qua không bao giờ ở lại. Nơi ấy ta được học bao điều hay lẽ phải từ thầy cô, bạn bè, được tắm mình trong những năng lượng tích cực, niềm tin và niềm hi vọng. Với tinh thần đó, tập thể lớp 10/1 xin gửi đến quý thầy ban giám khảo, quý thầy cô và tất cả các bạn học sinh tiết mục nhảy mang tên “Rực rỡ tuôi thanh xuân” với điệu nhạc sôi động và tràn đầy năng lượng là sự kết hợp giữa hai bài hát “Khăn quàng thắp sáng niềm tin và Đi giữa trời rực rỡ”.
Tập thể lớp 10/3 xin gửi đến đã sử dụng phần trình bày nhảy flashmob thay cho lời muốn nói.Chi đoàn chúng em đã sử dụng các tổ hợp động tác khác nhau, vũ đạo mang tính trẻ trung, năng động của tuổi học trò, sáng tạo, hào hùng của tinh thần yêu nước của tuổi trẻ để góp vào không khí sôi động trong buổi sáng ngày hôm nay.
Hai tiết mục “Nam quốc sơn hà và Bo xì bo” 10/5 và tiết mục “Người ơi người ở đừng về” đến từ tập thể lớp 10/4 mang đến cho hội thi sự mới mẻ, sôi động
Tiết mục nhảy mang tên “Đất nước” đến từ tập thể lớp 11/4. Đất Nước được vang lên với giai điệu vô cùng hào hùng, vang dội, từng câu chữ như tái hiện toàn bộ quãng thời gian lịch sử đầy hào hùng của cả dân tộc trong nhiều giai đoạn. Ca khúc chính là sự ngợi ca tình yêu đối với Tổ Quốc và khơi dậy lòng biết ơn đối với những vị anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Việt Nam quê hương ta được thiên nhiên ban tặng rất nhiều danh lam thắng cảnh và được mệnh danh là rừng vàng, biển bạc, với rất nhiều cảnh tượng thiên nhiên tươi đẹp của vùng sông nước, biển đảo Việt Nam, nơi những chú tôm, chú cá sinh sống. Qua lăng kính ngây thơ của trẻ nhỏ, thế giới tự nhiên hiện lên sống động, rộn ràng với âm thanh và hình ảnh vui tươi. Điều ấy cũng được thể hiện qua tiết mục “Bài ca tôm cá” đầy tươi vui và nhộn nhịp cua chi đoàn lớp 10/7.
“Kí ức cách mạng” đến từ tập thể lớp 12/8. Từ năm 1945 – 1975, Nước ta bị đọa đày bởi Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Nhân dân luôn khao khát ánh sáng sáng của hòa bình và tìm kiếm hy vọng sống trong những chuỗi ngày đau khổ. Nhất quyết dành lại sự tự do và độc lập dân tộc. Đó là một trong những “kí ức cách mạng” mà thầy cô luôn muốn nhắc nhở chúng em rằng, hòa bình hôm nay được đổi bằng xương bằng máu của đồng bào. Phải luôn khắc ghi tất cả những gì thuộc về quê hương Tổ quốc để tiếp tục bước tiếp chặng đường lịch sử vẻ vang của người đã nằm lại.
Mashup “Đất rừng phương Nam, Nam quốc sơn hà, Việt Nam trong tôi là “ đến từ chi đoàn lớp 11/7.
Không kém phần hào hùng và khí thế của tập thể lớp 10/9 mang tên “Hoài xuân dẫn lối”. Tiếc mục của lớp 10/9 đi từ cuộc sống đời thường của nhân dân, cho đến khi gặp chiến tranh và nỗ lực của nhân dân. Tiết mục đã nói lên đời sống thường nhật bình dị của người nông dân xưa trong thời kì chiến tranh, kháng chiến nổ ra vô cùng ác liệt. Khi ấy chính họ có thể bị ném bom và ra đi bất cứ lúc nào. Thế nhưng con đường chông gai thử thách ấy đã bị vùi lấp bằng ngọn lửa nhiệt huyết của những người thanh niên xung phong ở giai điệu “cô gái mở đường”.Qua giai điệu thứ 3 mang tên “khát vọng tuổi trẻ” thể hiện một lòng yêu nước và đoàn kết của thế hệ hiện tại tương lai.
“NGƯỢC BÃO” là một tác phẩm thể hiện tinh thần kiên cường của dân tộc Việt Nam, dù trải qua bao thăng trầm, đặc biệt là sau những cơn bão tàn phá, như cơn bão Yagi đã từng đổ bộ. Mặc dù chiến tranh và khó khăn đã qua đi, nhưng trong mỗi con người Việt Nam, vẫn luôn cháy bỏng niềm tin vào sự sống, tình yêu đồng bào và lòng quyết tâm vươn lên. Những bước nhảy trong “NGƯỢC BÃO” sẽ như lời nhắc nhở về sức mạnh tinh thần bất diệt của dân tộc, không bao giờ khuất phục trước thử thách. Xin mời quý vị hướng mắt về sân khấu này và cảm nhận từng nhịp điệu, từng cảm xúc trào dâng của lớp 11/9.
Tiết mục biểu diễn Ngược bão đến từ tập thể lớp 11/9 đã khép lại hội nhảy flashmob trong buổi sáng ngày hôm nay.
28 tiết mục biểu diễn trong hội thi là 28 màu sắc, âm điệu khác nhau của các chi đoàn lớp. Sự đầu tư, dàn dựng công phu đã đem đến hội thi sự sôi nổi, hấp dẫn.
“Học sinh 3 tốt” là một danh hiệu tuyên dương học sinh trung học phổ thông do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai nhằm ghi nhận, khích lệ học sinh rèn luyện và phấn đấu toàn diện. Để đoàn viên thanh niên trong Đoàn trường nắm bắt được các tiêu chuẩn của “Học sinh 3 tốt”, Đoàn trường tổ chức phát động trong 100% các chi đoàn trong tháng 11.
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.
Ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế – xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Ở nước ta, ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Để hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, trường THPT Nguyễn Văn Thoại đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, đố vui nhằm tuyên truyền, giáo dục đến toàn thể học sinh, VCNLĐ trong nhà trường về ý nghĩa ngày 09/11và cũng nhắc nhở, giáo dục đến toàn thể học sinh nhà trường có ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.